Chuyển từ gắn kết sang hợp tác toàn diện với doanh nghiệp

Không chỉ gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp; chủ trương đào tạo phải gắn với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu xã hội thông qua việc mời các doanh nhân, các cán bộ quản lý, các chuyên gia có trình độ, có tâm huyết với giáo dục nghề nghiệp đến từ các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan tham gia giảng…; Cùng với đó, xác định doanh nghiệp như một chủ thể đào tạo là chủ trương mới của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II.

Đây cũng là nội dung chính của Hội thảo Hợp tác toàn diện giữa nhà trường và doanh nghiệp do Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II tổ chức mới đây.

 

TS. Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II phát biểu tại Hội thảo.
TS. Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II phát biểu tại Hội thảo.

“Chênh” lớn giữa cung – cầu lao động

Theo Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Anh Thắng, sau đại dịch Covid-19, các hoạt động đã được khôi phục trở lại, tỷ lệ tham gia lao động và tiền lương của người lao động đã tăng lên. Tuy nhiên, hiện cung lao động chưa đủ cầu; tình trạng chênh lệch cung – cầu lao động rất lớn. Số lao động chưa qua đào tạo chiếm phần lớn và có tới 75% lao động chưa có chứng chỉ, chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

 

Tập thể nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng các đối tác
Tập thể nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng các đối tác

Chính vì vậy, “Hội thảo Hợp tác toàn diện giữa Nhà trường và doanh nghiệp sẽ là tiền đề cho các cơ sở GDNN khác tiếp tục phát huy gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần lớn vào đảm bảo kết nối cung – cầu lao động trong bối cảnh phát triển kinh tế hoà nhập hậu Covid-19” – ông Phạm Anh Thắng nói .

Hội thảo cũng ghi nhận ý kiến đóng góp của nhiều doanh nghiệp. Trong đó, các ý kiến tập trung vào việc làm sao để sự hợp tác đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp đạt hiệu quả nhất.

Giám đốc Dịch vụ của Công ty Toyota Biên Hoà (Đồng Nai) Huỳnh Tấn Thuyết cho rằng, là cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nhà trường nên tập trung nhiều hơn vào kiến thức quy trình, huấn luyện kỹ năng cho sinh viên; tăng cường liên kết để doanh nghiệp tham gia trực tiếp và giảng dạy tại nhà trường. Đồng thời, giáo viên của nhà trường cũng nên thường xuyên đến doanh nghiệp để tìm hiểu về công nghệ, kỹ thuật vận hành máy móc hiện đại… từ đó, cùng nhau xây dựng giáo trình phù hợp nhất để đào tạo sinh viên có tay nghề chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

PGS.TS. Bùi Văn Hưng trao thẻ giảng viên cho các thành viên doanh nghiệp hợp tác
PGS.TS. Bùi Văn Hưng trao thẻ giảng viên cho các thành viên doanh nghiệp hợp tác

 

Đồng quan điểm với ông Thuyết, Giám đốc Công ty TNHH B And I Automation Electrial Dương Tấn Cương cho rằng, khi nhà trường đưa sinh viên tới doanh nghiệp thực tập, giáo viên, giảng viên phải cùng đồng hành cùng sinh viên, làm việc, vận hành thiết bị công nghệ, máy móc tại doanh nghiệp. Làm được điều này, nhà trường sẽ thành công trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nâng cao được vị thế của mình; sinh viên được nâng cao kiến thức và cơ hội tìm được việc làm phù hợp; doanh nghiệp tuyển dụng được nhân lực đúng theo nhu cầu “ba bên cùng chiến thắng”.

Đào tạo để vào việc luôn!

 

Đại diện hai bên ký kết hợp tác
Đại diện hai bên ký kết hợp tác

Đồng tình với các ý kiến của doanh nghiệp, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN, Sở Lao động, thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh nhận định, để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà trường phải hợp tác với doanh nghiệp khai thác trang thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại tại doanh nghiệp cho việc đào tạo nghề. Đào tạo phải để sinh viên ra trường luôn tự tin, năng động và bắt tay vào làm việc luôn chứ không để doanh nghiệp phải mất thời gian đào tạo lại. Ông Đặng Minh Sự kỳ vọng, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II là nơi đào tạo ra đội ngũ lao động tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu lao động của thành phố và các tỉnh lân cận.  

Bày tỏ quyết tâm cũng như chủ trương hành động xuyên suốt của nhà trường, PGS.TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết, từ lâu nhà trường đã coi doanh nghiệp là thành tố không thể thiếu trong quá trình hoạt động của mình. Chính sự gắn bó chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp đã đưa nhà trường trở thành 1 trong 3 cơ sở GDNN thực hiện thành công thí điểm tự chủ theo yêu cầu của Chính phủ. Nay, trong bối cảnh đất nước đang phục hồi và phát triển, sự gắn kết này càng trở nên quan trọng, giúp nhà trường có cơ hội tiếp cận công nghệ mới, điều chỉnh, cập nhật chương trình theo hướng phù hợp thực tế sản xuất và đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng, còn các doanh nghiệp có cơ hội tuyển chọn nguồn nhân lực phù hợp, có chất lượng và sẵn sàng nguồn nhân lực. Đặc biệt, việc hợp tác đào tạo nghề cũng giúp học sinh, sinh viên được thực tập tại các doanh nghiệp hợp tác với nhà trường, có nhiều cơ hội việc làm trong nước và nước ngoài.

HVCT ký kết hợp tác toàn diện cùng doanh nghiệp
HVCT ký kết hợp tác toàn diện cùng doanh nghiệp

 

“Chúng tôi xác định: Doanh nghiệp là chủ thể đào tạo, chủ trương nhà trường là đào tạo phải gắn với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu xã hội thông qua việc mời các doanh nhân, các cán bộ quản lý, các chuyên gia có trình độ, có tâm huyết với giáo dục nghề nghiệp đến từ các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan tham gia giảng dạy” – PGS. TS Bùi Văn Hưng nói.

Khi tham gia làm giảng viên doanh nghiệp/giảng viên thực hành của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, giảng viên doanh nghiệp được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (đối với người chưa có chứng chỉ sư phạm); được tham gia các hoạt động học thuật, giảng dạy, tư vấn, hướng dẫn sinh viên của Trường; được cấp thẻ Giảng viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II; được hưởng quyền lợi khi tham gia giảng dạy. Thù lao giảng dạy được hưởng theo mức chuyên gia.

Cũng tại Hội thảo, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đã ký kết hợp tác toàn diện giữa nhà trường và doanh nghiệp và tổ chức lễ Trao thẻ Giảng viên doanh nghiệp.

 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *