Không vào lớp 10 THPT, còn có ‘con đường’ mang tên 9+

TTO – Tại TP.HCM, trung bình mỗi năm có khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ học tiếp tại các trường phổ thông. Trong số 30% còn lại, học sinh thường chọn vào các trường cao đẳng, trung cấp, vừa học nghề vừa học văn hóa (hệ 9+).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Sau khi TP.HCM công bố điểm chuẩn vào các trường phổ thông công lập 2022 tròn một tuần, khối cao đẳng – trung cấp đã và đang ghi nhận số học sinh đăng ký nhập học tăng đáng kể.

Hoàn thành sớm chỉ tiêu

TS Trần Thanh Hải – hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông – cho biết chỉ sau một tuần kể từ khi TP.HCM công bố điểm chuẩn, trường ông đã tuyển đủ chỉ tiêu hệ 9+ bao gồm 15 lớp với tổng cộng khoảng 600 học sinh. Ông đánh giá tốc độ “về đích” của trường khá nhanh do nhiều thí sinh đã đăng ký giữ chỗ ngay từ khi chưa có điểm thi lớp 10, thậm chí đăng ký trước cả ngày thi.

“Điều đó cho thấy nhiều gia đình đã chủ động chuyển hướng đi, không nhất thiết bằng mọi giá phải vào lớp 10 công lập. Ngoài ra, việc điểm thi năm nay ở một số quận huyện tương đối thấp cũng khiến các gia đình tính toán những phương án B ngay từ sớm” – ông Hải nói.

Tương tự, TS Hoàng Văn Phúc – hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn – cũng nhận thấy điểm sáng trong bức tranh tuyển sinh hệ 9+ sau COVID-19. Sau khi TP công bố điểm chuẩn, trường nhận được gấp đôi, có khi gấp ba, số cuộc gọi từ phụ huynh muốn tư vấn và số lượt học sinh đến trực tiếp trường tìm hiểu, đăng ký. Phần lớn học sinh đến từ các quận huyện lân cận. Theo ông Phúc, năm nay học sinh vẫn tập trung vào những ngành nghề “hot” như công nghệ thông tin, kỹ thuật ôtô, điện, du lịch, nhà hàng, khách sạn.

TS Bùi Văn Hưng – hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II – thông tin đến nay trường đã tuyển được hơn 50% chỉ tiêu hệ 9+ trong năm. Các đợt tuyển sinh sẽ tiếp tục diễn ra thêm khoảng 3 tháng, cho đến hết ngày 15-10, do vậy theo ông Hưng, trường hoàn toàn có khả năng hoàn thành chỉ tiêu. Ngoài những học sinh tốt nghiệp THCS đến từ TP Thủ Đức, trường còn đón thêm các bạn ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, thậm chí từ Khánh Hòa, Phú Yên hay miền Tây. “Năm nay, trường đầu tư thêm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giỏi để tạo thêm sức hút cho hệ này” – ông Hưng nói.

Chọn nghề ở tuổi 15: không dễ!

 

Bà Phạm Quang Trang Thủy – hiệu trưởng Trường trung cấp Kỹ thuật Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) – chia sẻ đặc thù của hệ 9+ là vừa học chương trình văn hóa vừa học nghề. Nghĩa là ngay từ khi vào trường, các em đã phải xác định ngành nghề sẽ theo đuổi. Ở tuổi 15, quyết định học ngành nào, nghề nào là tương đối sớm, ít nhất so với các bạn đồng trang lứa vẫn còn học phổ thông.

“Tôi nhận thấy thông thường các em chưa hình dung được hết con đường sự nghiệp ở tuổi này. Việc chọn ngành nghề ra sao thường phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của cha mẹ” – bà Thủy nói.

Cũng chính vì lý do trên, theo TS Bùi Văn Hưng, trong quá trình giải đáp thắc mắc cho những bạn muốn vào trường, các thầy cô phải “tư vấn kép” cho cả học sinh và phụ huynh. Cha mẹ, con cái sẽ cùng tham quan tất cả các khoa trong trường, sau đó sẽ ngồi làm việc chung với đội ngũ tư vấn. “Nhiều trường hợp con thích học ngành này, phụ huynh lại muốn con học ngành kia. Các thầy cô sẽ phân tích từng hướng đi để gia đình có thêm cơ sở thống nhất” – thầy Hưng nói.

Theo ThS Nguyễn Đăng Lý – hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM – để hỗ trợ các bạn học sinh xác định đúng nghề ở tuổi 15, trường cho phép các bạn trải nghiệm tối đa trong học kỳ đầu tiên. Bên cạnh học văn hóa, các bạn sẽ được tham gia các tiết học thực hành thuộc nhiều nghề khác nhau từ du lịch, kinh tế, kỹ thuật, công nghệ thông tin…

 

Lưu ý chương trình và học phí

ThS Nguyễn Đăng Lý cho rằng ngoài những vấn đề về ngành nghề phù hợp, phụ huynh cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng về đầu ra trước khi cho con học nghề sau lớp 9. Một số trường cao đẳng, trung cấp vì mục đích tuyển sinh có thể không tư vấn một cách tường tận cho phụ huynh. Chẳng hạn, bên cạnh học nghề, các em sẽ được học chương trình văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên 4 môn hay 7 môn? Theo những quy định hiện nay, nếu học chương trình 4 môn, học sinh sẽ không được thi tốt nghiệp, tức không có bằng tốt nghiệp THPT và cũng không thể liên thông lên đại học. Với chương trình 4 môn, các em chỉ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình và chỉ có thể liên thông cao nhất tới hệ cao đẳng.

Trong khi đó, với chương trình văn hóa 7 môn, các em sẽ được dự thi tốt nghiệp THPT như các học sinh học trường phổ thông công lập hay tư thục khác. Nếu đủ điểm theo yêu cầu, các em vẫn sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT – “điều kiện cần” để vào đại học. Ngược lại, chương trình phổ thông 7 môn thường nặng hơn, đòi hỏi nhiều nỗ lực.

ThS Nguyễn Đăng Lý lưu ý thêm về học phí. Đâu đó vẫn còn những cơ sở giáo dục nghề nghiệp quảng cáo học phí rất rẻ nhưng khi vào học thì trường lại “vẽ” thêm nhiều khoản phí khác. “Theo tôi, bản thân các trường cũng cần công khai mức tiền học thật đầy đủ trong suốt 4 năm học để các gia đình có thể tính toán, nhất là hiện nay nhiều gia đình vẫn còn gặp không ít khó khăn về tài chính sau COVID-19” – ông Lý nêu quan điểm.

 

Phụ huynh hãy cởi bỏ mặc cảm

Bà Võ Thị Mỹ Vân – hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist – cho rằng thời gian qua dù tâm lý chung của phụ huynh đã cải thiện rất nhiều nhưng không ít cha mẹ vẫn còn chưa cởi bỏ được cảm giác “ngại ngùng” khi cho con học trường trung cấp, cao đẳng sau lớp 9. Cô kể trong tuần rồi, một trường hợp cha dẫn con đến trường để tìm hiểu ngành học nhưng luôn bày tỏ nỗi “ê chề” khi con trượt lớp 10 công lập. Họ đến trường xin học với suy nghĩ con là một đứa “vô dụng” và mình dạy con đã “thất bại”.

“Tôi phải trực tiếp tư vấn và khẳng định với gia đình này rằng không có gì phải mặc cảm. Chuyện học nghề sau THCS rất bình thường. Học sinh vẫn có thể đi tiếp con đường học văn hóa, lại có thêm một nghề. Nếu như học trường công lập là “đường chính” thì học hệ 9+ là “đường nhánh”, nhưng cuối cùng vẫn tới đích” – cô Vân nói.

THEO BÁO TUỔI TRẺ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *