Tỷ lệ sinh viên tạo mẫu, chăm sóc sắc đẹp có việc làm sau tốt nghiệp rất cao

Mới đây, Trường Cao đẳng (CĐ) Kỹ Nghệ II đã tổ chức hội thảo Ngành Chăm sóc sức khỏe – thẩm mỹ (CSSK-TM) nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh các lớp Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp, đào tạo thường xuyên, tập huấn công nghệ tại Bộ môn CSSK-TM và tăng số lượng học sinh sinh viên (HSSV) đăng ký nhập học tại Trường Cao Đẳng Kỹ Nghệ II nói chung và Bộ môn Chăm sóc sức khỏe Thẩm mỹ nói riêng.

Ts. Bùi Văn Trí – Phó Hiệu trưởng trường CĐ Kỹ Nghệ II cho biết: “Nhà trường hiện đào tạo đa ngành nghề, trong đó kinh tế, dịch vụ và chăm sóc sắc đẹp là những ngành mới nhưng rất được nhà trường chú trọng vì nhu cầu nhân lực đối với ngành này rất lớn. Nhà trường đang từng bước chuẩn hóa các chương trình đạo tạo, đặc biệt chú trọng hợp tác doanh nghiệp và hội nhập quốc tế, ở trình độ Cao – Trung cấp, đào tạo gắn sát với doanh nghiệp chứ không hàn lâm như các trường Đại học. Nhà trường cũng đang có sứ mệnh được Bộ LĐ-TB&XH giao phó trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao quốc gia ở khu vực miền Nam”.

Trong những năm gần đây, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, làm đẹp của người dân ngày càng phát triển. Do đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Chăm sóc sắc đẹp (CSSĐ) luôn có cơ hội việc làm tốt với mức thu nhập cao và không giới hạn.

Chính vì vậy, Ths. Bùi Thị Minh Tâm – Trưởng Khoa Du lịch Nhà hàng Khách sạn cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe, nhưng nguồn nhân lực chỉ dừng lại ở trình độ biết nghề, sơ cấp và cao hơn là trung cấp. “Giai đoạn 2022 – 2027 Nhà trường mong muốn đồng hành cùng với doanh nghiệp xây dựng nguồn nhân lực nâng cao thêm một bậc nữa là trình độ cao đẳng, vì Cao đẳng Kỹ Nghệ II chính là một trong ba trường công lập được cấp giấy phép đào tạo ngành CSSĐ”, Ths. Bùi Thị Minh Tâm nói.

Năm 2022-2023 nhà trường đặt ra chỉ tiêu tuyển 60 lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp, spa đã có kỹ năng nghề, sẽ được đào tạo chuẩn hóa lên bằng Cao đẳng. Sau đó các bạn sẽ được học thêm kỹ năng sư phạm, kĩ năng nghiệp vụ để trở thành giáo viên doanh nghiệp của nhà trường, giáo viên nòng cốt của doanh nghiệp. Những kiến thức cơ bản sẽ học tại nhà trường nhưng kiến thức chuyên sâu về từng chuyên ngành sẽ học tại doanh nghiệp.

Nhà trường cũng đàn dự kiến tuyển sinh ngành Điều dưỡng thẩm mỹ vào năm học 2023-2024. Các trung tâm thẩm mỹ hiện nay chưa có điều dưỡng thẩm mỹ, mà chỉ sử dụng điều dưỡng chung phục vụ cho các bác sĩ chuyên sâu về thẩm mỹ.

“Nhà trường định hướng như vậy vì ngành thẩm mỹ đi song song với ngành Chăm sóc sắc đẹp. Người muốn làm đẹp chỉ chăm sóc không chưa đủ mà cũng có nhu cầu thẩm mỹ, và chăm sóc hậu thẩm mỹ còn quan trọng hơn rất nhiều”, Ths. Bùi Thị Minh Tâm nói thêm.

Với nhu cầu cao của thị trường, ngày càng nhiều các trung tâm chăm sóc sắc đẹp và spa, thẩm mỹ viện ra đời. Tỷ lệ có việc làm đối với các nhân viên tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp sau tốt nghiệp dường như là ngay lập tức. Rất nhiều các đơn vị kinh doanh luôn tìm kiếm nhân viên có tay nghề cao, sinh viên sẽ không lo thất nghiệp khi theo học ngành Cao đẳng CSSĐ.

ThS. Mai Huy Hoàng phát biểu tại buổi hội thảo
ThS. Mai Huy Hoàng phát biểu tại buổi hội thảo

Cũng tại hội thảo, Ts. Mai Huy Hoàng – Giám đốc Trung tâm Kiểm định IOOP (Bộ Công Thương) cho biết: Bộ Công Thương luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm, CSSĐ. Trước đây, các doanh nghiệp chưa có một kiến thức rõ ràng, nên sẽ gặp nhiều nơi tư vấn chưa thích hợp khiến doanh nghiệp tốn chi phí và không phát triển công việc kinh doanh.

“Những sản phẩm làm đẹp trước khi đưa ra thị trường cần có các loại giấy tờ của cơ quan kiểm định Nhà nước để khẳng định chất lượng, thương hiệu của doanh nghiệp. Việt Nam có nguồn nguyên liệu tự nhiên hết sức phong phú và thuộc loại tốt nhất thế giới, nhưng những sản phẩm làm ra vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài. Trong tương lai gần, các cơ quan quản lý Nhà nước mong muốn các sản phẩm của doanh nghiệp về chăm sóc da thẩm mỹ sẽ được xuất khẩu ra thị trường thế giới”, Ts. Mai Huy Hoàng chia sẻ.

Trình bày Chuyên đề về “Phòng chống mỹ phẩm giả”, tại hội thảo ông Từ Văn Lai – Trưởng ban hỗ trợ Doanh nghiệp, Trung tâm công nghệ Chống hàng giả Việt Nam (Bộ Công Thương) cho biết: “Một số doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm thường dán những con tem bảy màu mua của các nhà in và mặc định rằng đó là tem chống hàng giả dù chúng không có giá trị pháp lý, không có thông tin chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Trung tâm Công nghệ Chống hàng giả Việt Nam là đơn vị duy nhất được Bộ KH-CN cấp phép hoạt động trong lĩnh vực chống giả. Công nghệ chống hàng giả hiện nay có hai loại tem, một là loại tem có mã số cào, khi cào mã số đó ra sẽ hiển thị bạn là người sở hữu sản phẩm đầu tiên. Công nghệ thứ hai là công nghệ chip nhập từ Hà Lan. Khi doanh nghiệp dán những con chip này sẽ biết được sản phẩm xuất kho, lên xe tải vào lúc mấy giờ, đi đến nhà phân phối, đại lý nào và đến người mua cuối cùng.

Tại hội thảo cũng đã có nhiều tham luận, chia sẻ và buổi trình diễn đến từ các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe thẩm mỹ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *