Thước đo chất lượng của trường nghề!

Đó là quan điểm và mục tiêu hành động của trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, TP. Hồ Chí Minh và cá nhân PGS. TS. Bùi Văn Hưng – Hiệu trưởng Nhà trường khi trao đổi về việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường lao động trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của thành phố sau đại dịch Covid-19. Theo PSG.TS. Bùi Văn Hưng, Covid-19 đã gây ra nhiều tổn thương và hệ lụy nhưng cũng là cơ hội cho nhiều lĩnh vực ngành nghề đổi mới và bứt phá, trong đó có giáo dục nghề nghiệp.

Covid-19 khiến nguồn thu giảm mạnh

– Đại dịch Covid-19 đã tạm lắng nhưng những tổn thất gây ra cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp thành phố nói chung và Nhà trường nói riêng là rất lớn, ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?

PGS.TS. Bùi Văn Hưng chia sẻ
PGS.TS. Bùi Văn Hưng chia sẻ

– Đối với một trường nghề hoạt động theo cơ chế tự chủ như Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, đại dịch Covid-19 đã khiến chúng tôi bị ảnh hưởng trầm trọng. Đơn cử, học sinh, sinh viên dừng đến trường, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo, chất lượng đào tạo; hoạt động dịch vụ gắn với đào tạo không triển khai được; doanh nghiệp tham gia vào đào tạo giảm đáng kể, thậm chí có thời gian ngừng hẳn; việc tư vấn tuyển sinh, gửi hồ sơ nhập học, đóng tiền và nhập học hoàn toàn trực tuyến, nên chúng tôi không thể tiếp cận hết với các em ở vùng sâu… Điều đó, khiến nguồn thu của Nhà trường giảm mạnh, cũng ảnh hưởng đến thu nhập của đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường.

– Nhà trường đã làm gì để bảo đảm đời sống vật chất cho cán bộ, giáo viên, người lao động vượt qua đại dịch, thưa ông?

– Như tôi đã chia sẻ ở trên, là trường đầu tiên của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện tự chủ nên chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Nguồn thu chủ yếu của trường dựa vào các hoạt động tuyển sinh đào tạo nhưng trong bối cảnh đại dịch vừa qua, mọi hoạt động gần như ngừng trệ.

Song để bảo đảm đời sống cũng như sự an toàn của cán bộ, giáo viên, người lao động, Nhà trường đã tập trung thực hiện giữ ổn định học sinh, tiếp cận các dự án đào tạo của các tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đặc biệt, Nhà trường mau chóng tiếp cận chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Chúng tôi xem đây là cơ hội tốt của Nhà trường.

Ngay khi Nghị quyết có hiệu lực, Trường Cao đẳng kỹ nghệ II đã bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện, thành lập các tiểu ban để cùng nhau phối hợp triển khai đến doanh nghiệp như Tiểu ban Tổng hợp các văn bản liên quan và các biểu mẫu (khi đó chưa có cẩm nang của Tổng cục); Tiểu ban Xây dựng hồ sơ năng lực và tập hợp các chương trình đào tạo ngắn hạn, thường xuyên – một thế mạnh của trường; Tiểu ban tập hợp, thống kê danh sách doanh nghiệp để tiếp cận triển khai.

Thước đo chất lượng của trường nghề!
Thước đo chất lượng của trường nghề!

 

– Vậy kết quả ra sao, thưa ông?

– Ngay từ đầu tháng 8.2021, một số doanh nghiệp đủ điều kiện, đồng ý phối hợp với Nhà trường để triển khai thực hiện, thống kê danh sách chuyển bảo hiểm tự nguyện xác nhận. Theo đó, có 17 doanh nghiệp chuyển bảo hiểm tự nguyện xác nhận, trong đó, 38.321 lao động tham gia đào tạo và hiện đã có quyết định phê duyệt hỗ trợ Công ty CP Nội thất NEM với tổng số lao động hỗ trợ 98 người do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh phê duyệt.

Ngoài ra, Công ty Công ty TNHH Fashion Garments 2 với số người lao động được hỗ trợ 1.125 người; Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam với số người lao động được hỗ trợ 4.104 người đã hoàn tất hồ sơ do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Nai thẩm định. Những nỗ lực này đã giúp chúng tôi bảo đảm việc làm, thu nhập cho cán bộ, giáo viên, người lao động vượt qua đại dịch.

Rất vui là trong 2 năm qua, thu nhập của cán bộ, giáo viên, người lao động trong trường vẫn được bảo đảm. Thưởng tết vẫn giữ được mức tối thiểu là trên 10 triệu đồng và tối đa là gần 50 triệu đồng/người. 

Nhưng lại mở ra nhiều cơ hội

– Hiện nay, trước yêu cầu cấp bách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phục hồi và phát triển của Thành phố, cộng thêm áp lực từ việc phải tự chủ hoạt động, Nhà trường có gặp khó khăn gì không?

– Thời điểm này, đại dịch đã đi qua, thành phố cũng đang dần phục hồi kinh tế, đây cũng là cơ hội cho nhà trường. Nhận thấy tình hình dịch Covid-19 và những tác động từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi thế giới việc làm, chúng tôi đã chuẩn bị nắm bắt cơ hội trong đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp, nhằm thích ứng với cuộc sống bình thường mới. Đồng thời, xem đây là hoạt động ưu tiên của nhà trường trong thời gian phục hồi của Thành phố nói chung và trường Cao đẳng Kỹ nghệ II nói riêng.

Tuy nhiên, do cơ chế chính sách chưa đồng bộ cho việc thực hiện thí điểm tự chủ, cơ chế đặt hàng đào tạo chưa hình thành rõ nét; học phí của Nhà trường cao hơn so với các cơ sở giáo dục chưa tự chủ, chưa được dạy văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cho các em học sinh mà phải kết hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên để giảng dạy.

– Nhà trường đã có những kế hoạch gì để kịp thời đáp ứng yêu cầu cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng cho Thành phố?

– Trường Cao đẳng kỹ nghệ II đã xây dựng kế hoạnh tuyển sinh xuất phát từ nhu cầu của thị trường lao động, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Chúng tôi tiếp cận đào tạo lại, đào tạo để chuyển đổi nghề cho các ngành nghề đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu Cách  mạng Công nghiệp 4.0. Trên cơ sở định hướng như vậy, Nhà trường thực hiện lộ trình, chuyển đổi đào tạo theo định hướng đào tạo chất lượng cao và dự kiến mở các ngành nghề mới như Công nghệ bảo mật và an ninh mạng thông minh, Công nghệ in 3D tiên tiến, Công nghệ robot, Quản lý và tối ưu hóa chuỗi cung ứng, Công nghệ điện thông minh. Cùng với đó, để đáp ứng được kế hoạch đào tạo nhân lực kịp thời thì nhà trường đã mở rộng hợp tác doanh nghiệp, trong đó, chú trọng hình thành cơ chế đưa những chuyên gia, thợ giỏi vào giảng dạy, hướng dẫn chuyên môn cho người học, tổ chức các kỳ thi, đánh giá kỹ năng tại doanh nghiệp, chia sẻ các nguồn lực của doanh nghiệp với nhà trường trong đào tạo, xem doanh nghiệp là chủ thể trong đào tạo.

– Cuối cùng, ông có thể chia sẻ điều gì khiến ông tiên phong chọn lĩnh vực hướng nghiệp làm đề tài nghiên cứu cho luận án Tiến sĩ của mình?

– Bản thân tôi luôn xem việc học tập, nghiên cứu khoa học, trau dồi kiến thức là yếu tố quyết định đến sự thành công của công việc. Đặc biệt, lĩnh vực này tôi đã có hơn 20 năm gắn bó và dành cả tâm huyết cho sự nghiệp đào tạo nghề, những mong đem lại cho các em học sinh những định hướng chuẩn mực trong việc lựa chọn con đường nghề phù hợp và sống được bằng chính nghề mình đã chọn.

Tôi muốn đóng góp cho giáo dục nghề nghiệp nhiều hơn nữa trong đào tạo chất lượng cao, phát triển đội ngũ chuyên gia chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, để trong một ngày không xa, chúng ta sẽ có đội ngũ nhân lực chất lượng, đáp ứng cho thị trường lao động khu vực và toàn cầu.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Liên kết bài viết

Nguồn: Đại biểu nhân dân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *