Sau THCS, học sinh có nhiều lựa chọn để tiếp tục con đường học vấn. Dù rẽ hướng nào, bắt đầu từ đâu thì các em vẫn được trao cơ hội học tập, phát triển bản thân tùy vào sự nỗ lực, cố gắng của mình. Năm học 2024 – 2025, TP.HCM tuyển 71.020 chỉ tiêu lớp 10 vào 113 trường THPT công lập. Chỉ tiêu này ở năm học 2023 – 2024 là 77.294, tức giảm 6.274 chỉ tiêu, nghĩa là trong năm học tới có khoảng 35.000 học sinh rớt lớp 10 công lập.
Chỉ tiêu vào lớp 10 công lập giảm nhưng cơ hội học tập không giảm ở TT GDNN-GDTX, các trường CĐ-TC (gọi chung là các cơ sở GDNN) và trường THPT tư thực.
Rớt lớp 10 công lập, học sinh còn nhiều hướng đi và môi trường nào cũng có cơ hội để phát triển. Trong đó, các cơ sở GDNN là lựa chọn ưu tiên của gia đình cũng như bản thân người học bởi có nhiều cái lợi. Thực tế không phải gia đình nào cũng đủ khả năng cho con vào trường THPT tư thục vì học phí khá cao. Học văn hóa chương trình GDTX cấp THPT (7 môn) hoặc các em có thể lựa chọn học văn hóa 4 môn, khá nhẹ đối với các em có học lực trung bình trở xuống. Hoàn thành chương trình văn hóa 7 môn, các em được thi tốt nghiệp THPT. Riêng các em học văn hóa 4 môn, kết thúc chương trình sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.
Học ở cơ sở GDNN thì các em còn có cơ hội học nghề miễn phí (Nghị định 81/2021/CP của Chính phủ) để lấy bằng TC chính quy. Bài toán kinh tế của gia đình cơ bản được giải quyết, trong khi đó mức học phí mà người học phải đóng trong toàn khóa học (2 năm) tương đương 30 triệu đồng.
Thời gian học ngắn cũng là điểm cộng để người học lựa chọn học song song văn hóa (3 năm) và nghề (2 năm) sau THCS. Khi sở hữu 2 bằng TC chính quy và bằng THPT, các em đủ điều kiện học liên thông lên CĐ (1,5 năm). Như vậy, sau THCS lựa chọn học nghề thì chỉ mất 4,5 năm để có bằng CĐ. Trong khi đó, nếu tiếp tục học THPT và học CĐ sau đó thì phải mất 5,5 năm. Có bằng THPT và bằng TC chính quy trước đó, các em đủ điều kiện xét tuyển vào CĐ-ĐH chính quy. Với các em học nghề song song văn hóa 4 môn được học CĐ liên thông đúng nghề đã được cấp bằng TC chính quy trước đó.
Như vậy, dù học ở đâu, bắt đầu từ THPT hay bắt đầu từ cơ sở GDNN thì cơ hội học tập của các em là như nhau, vì mục tiêu cuối cùng là học, là sở hữu tấm bằng để tham gia thị trường lao động.
Học giỏi vẫn rẽ… ngang
Qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hàng năm tại TP.HCM, vẫn có học sinh dù đủ điểm vào trường THPT công lập theo nguyện vọng nhưng quyết định học tại các cơ sở GDNN. Hay như vì lý do kinh tế gia đình, mong muốn rút ngắn thời gian học tập, sớm tham gia thị trường lao động; Học nghề để khởi nghiệp, nối nghiệp gia đình, học nghề để đi xuất khẩu lao động,… mà chọn rẽ ngang. Như vậy chưa thể khẳng định “sau THCS vào các cơ sở GDNN là yếu kém”. Nhận định này chưa thỏa đáng và là một trong những nguyên nhân dẫn đến “nuôi lớn” định kiến xem nhẹ GDNN. Định kiến này gây trở ngại cho công tác phân luồng học sinh sau trung học cũng như ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu nguồn nhân lực trình độ TC-CĐ và ĐH cho thị trường lao động trong thời gian tới.
Học sinh không vào được lớp 10 công lập dù học lực khá, giỏi, điều này có thể vì “kỹ thuật” chọn nguyện vọng hoặc do áp lực thi cử… nhưng con số này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Băn khoăn lớn là phụ huynh không nhìn thấy, hoặc cố tình không chấp nhận con mình đang ở đâu, năng lực học tập thế nào để định hướng, tránh lãng phí thời gian và tài chính không cần thiết. Bản thân các em, ở độ tuổi THCS chưa đủ chín chắn trong suy nghĩ cũng như có “đề kháng” trước cú sốc tâm lý rớt lớp 10 công lập. Nếu không được sự đồng hành, chia sẻ từ gia đình, các em không thể tự mình vượt qua, dễ dẫn đến bi quan, chán nản và từ đó xem môi trường GDNN là nơi “ở đậu”. Riêng các em không vào được lớp 10 công lập do phân hóa rõ ở tầng thấp thì chọn học văn hóa 4 môn cho nhàn với hy vọng hoàn thành chương trình THPT. Đối với học sinh này, nếu các cơ sở GDNN chăm sóc tốt, tạo điều kiện để các em lựa chọn nghề đúng với đam mê, sở thích thì các em có thể phát triển bản thân như bao người khác.
Thực tế, có không ít học sinh chẳng mấy hứng thú với giờ học văn hóa nhưng bộc lộ rõ năng khiếu, đam mê với nghề đã chọn. Từ môi trường GDNN, nhiều em đoạt giải cao trong các kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế, khu vực và cả thế giới; Có những điển hình là những người sáng lập, điều hành các công ty, doanh nghiệp lớn xuất thân từ tấm bằng TC mà TP.HCM đã tuyên dương qua các năm.
………………….
VĂN PHÒNG TUYỂN SINH – TRƯỜNG CĐ KỸ NGHỆ II
Địa chỉ: 502 Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Website: https://www.hvct.edu.vn/.
Fanpage: Tuyển sinh Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II
Hotline: 0395 113 839
Email: phongtuyensinh@hvct.edu.vn